Wednesday, May 10, 2006

Nhan dinh van kien Tong huan Giao hoi tai chau A

THÁI ÐỘ TRỊCH THƯỢNG DẪN ÐẾN
SỰ THẤT BẠI CỦA VATICAN TẠI CHÂU Á.

Phúc âm hóa Châu Á hay sự xuyên tạc, hạ thấp các thực tại tôn giáo, văn hóa Châu Á.
"Tông huấn", nghĩa là những văn bản mang tính chất "giáo huấn" đối với hàng giáo phẩm và tín đồ thuộc giáo hội Công giáo La Mã, giáo huấn là trách nhiệm của Giáo Hoàng trên cương vị "chăn dắt", và bổn phận của "đàn chiên" là phải nghe theo vô điều kiện. Giáo Hoàng muốn "chăn dắt" kiểu gì là quyền của ông, người ngoài giáo hội không quan tâm, vì đó là chuyện nội bộ của giáo hội Công giáo La Mã. Nhưng nếu Giáo Hoàng lợi dụng sự giáo huấn tín đồ của mình để bôi nhọ, xuyên tạc, nhằm hạ thấp các thực tại văn hóa, tôn giáo Châu Á, đương nhiên không thể tránh được những phản ứng. Rất tiếc điều này lại được tác giả bản tông huấn Giáo hội tại Châu Á bộc lộ ngay trong phần nhập đề:
"Vấn đề cho Kitô giáo gặp gở các văn hóa và tôn giáo lâu đời của địa phương đã trở nên cấp thiết. Ðây là một thách đố lớn đặt ra cho việc phúc âm hóa, vì các hệ thống tôn giáo ở đây như Phật giáo, Ấn Ðộ giáo đã mang tính chất cứu độ rõ rệt. Thật vậy, quả là mầu nhiệm khi đấng cứu thế sinh ra tại Châu Á lại vẫn cứ vô danh đối với các dân tộc trên lục địa này cho tới ngày hôm nay" (S2)
Ý muốn "Công giáo hóa Châu Á" trong thiên niên kỷ thứ ba được người đứng đầu giáo hội công khai thừa nhận: "giáo hội sẽ gặt được một mùa gặt lớn trên lục địa vừa rộng lớn vừa tràn trề sức sống này" (S1).
Trong tông thư "Tiến tới thiên niên kỷ thứ ba" (Tertio Millennio Adveniente). Ðương kim Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã vạch ra một lộ trình cho công cuộc "Tân phúc âm hóa" trên phạm vi toàn cầu. Theo đó, các Thượng Hội Ðồng Giám Mục mỗi châu lục được hình thành. Các Thượng Hội Ðồng này dưới sự lãnh đạo của Vatican có nhiệm vụ nghiên cứu các thực tại văn hóa, tôn giáo của từng châu lục từ đó vạch ra kế hoạch thực hiện "Phúc âm hóa" cho phù hợp. Trong Tông huấn giáo hội tại Châu Á, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã nhắc lại một ý của Tông thư Tiến tới thiên niên kỷ thứ ba: "vấn đề cho Kitô giáo gặp gở các văn hóa và tôn giáo lâu đời của địa phương đã trở nên cấp thiết. Ðây là một thách đố lớn đặt ra cho việc phúc âm hóa, vì các hệ thống tôn giáo ở đây như Phật giáo, Ấn Ðộ giáo đã mang tính chất cứu độ rõ rệt". Từ nhận định trên, Tông huấn đưa ra một luận cứ mang tính khẳng định rất khôn khéo, nhưng ẩn chứa bên trong một nội dung nhằm hạ thấp giá trị của các thực tại văn hóa, tôn giáo Châu Á: "Thật vậy, quả là mầu nhiệm khi Ðấng Cứu Thế sinh ra tại Châu Á lại vẫn cứ vô danh đối với các dân tộc trên lục địa này cho tới ngày hôm nay".
Người đọc có cảm giác vấn đề Kitô giáo muốn gặp gỡ các thực tại văn hóa, tôn giáo Châu Á không phải chỉ là một "thách đố" mà là "thách thức" của Vatican trong ý đồ truyền giáo ở Châu Á. Ðể thấy rõ vấn đề này, ta cần phân tích một số điểm thuộc nội dung trích dẫn trên.

Hiểu thế nào về "tính chất cứu độ" trong các tôn giáo Châu Á
Tông huấn viết : "… hệ thống tôn giáo ở đây như Phật giáo, Ấn Ðộ giáo đã mang tính chất cứu độ rõ rệt."(S2).
Hiểu thế nào về "tính chất cứu độ rõ rệt" trong Ấn giáo, Phật giáo? Có hai ý để người đọc có thể hiểu. Một là "cứu độ" được hiểu theo truyền thống Phật giáo hoặc các tôn giáo Châu Á khác, hai là hiểu theo tín điều Kitô giáo. Dù sao mặc lòng, không thể đánh đồng các khái niệm cứu độ của các tôn giáo để quy kết vào sự cứu độ của Kitô giáo bằng phép quy nạp máy móc. bất chấp hệ quy chiếu, mâu thuẩn giữa các hệ thống. Ví dụ quan niệm cứu độ của Kitô giáo và Phật giáo là hoàn toàn trái ngược, không có điểm chung.
"Cứu độ" trong truyền thống Phật giáo là "Tự độ". Tự độ là tự mình cứu mình mà không cần đến một thế lực siêu nhiên nào. Tự độ còn có nghĩa là Tự giác, Giác là "Biết" (Prajna). Biết như thế nào? "Biết như là biết", hay nói theo thuật ngữ Phật giáo là "Như Thực Tri Kiến", nghĩa là thấy rõ tường tận thực tướng của vạn pháp.
"Cứu độ" được hiểu theo tín điều Kitô giáo hoàn toàn khác. Như ta đã biết. Các truyền thống tín ngưỡng Á Châu đa phần là những hệ thống không có giáo điều, khác với Kitô giáo, một tôn giáo hoàn toàn dựa vào giáo điều. Vì vậy, cứu độ của Kitô giáo cũng không thể nào tách khỏi giáo điều. Giáo điều thường là những giả định mang dấu ấn của tất định luận. Khởi nguyên học thuyết cứu độ của Kitô giáo là "tội nguyên tổ". Ađam và Eva, hai nhân vật mà giáo điều Kitô giáo buộc tín đồ phải tin là tổ tiên của họ, đã phạm một lỗi hết sức "vở vẩn" là ăn trái táo Chúa đã cấm. Hậu quả con cháu phải gách chịu "tội nguyên tổ". Giêsu xuống thế để cứu chuộc lại lỗi lầm do Ađam-Eva gây ra. Tín đồ Kitô giáo muốn được xóa tội nguyên tổ phải chịu "phép rửa tội". Mặc dù khoa thần học ngày nay đã thần học hóa một cách có hệ thống các giả định huyền thoại thuộc di sản văn hóa Do Thái, các truyền thuyết trong Cựu ước thời tiền Kitô giáo. Các ý niệm thuộc phạm trù Do Thái được sắp xếp có hệ thống và được giải thích bằng những ý niệm thần học thông qua công cụ triết học Hi Lạp. Các truyền thuyết, huyền thoại của Sáng Thế Ký như Ađam, Eva, Êđen, con rắn, trái cấm v.v. thuộc thời kỳ tiền Kitô giáo được khoác lên một bộ mặt mới mang tính kinh viện, bác học hàn lâm. đại loại như: "Ðức Giêsu đã thi hành ý muốn của Cha Ngài, là hòa giải toàn thể nhân loại với Cha sau khi quan hệ giữa Ðấng Tạo Hóa và thụ tạo bị tội nguyên tổ cắt đứt" (S11) v.v.
Tất nhiên, với những tín điều như vậy ai muốn tin thì tin, muốn theo cứ theo, vì đó là tự do tư tưởng, tự do tôn giáo. Riêng đối với người viết tập sách này nhận thấy, là một người Việt Nam dù có tôn giáo hay không có tôn giáo, nếu muốn nhận "tội tổ tông", thì "tội tổ tông" đó phải do chính ông Lạc Long Quân và bà Âu Cơ "vấp phạm", chứ không phải sự vấp phạm của một cặp vợ chồng Do Thái Ađam-Eva, vốn rất xa lạ với truyền thống văn hóa dân tộc Việt. Lm Cao Phương Kỷ trong cuốn "Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo viết: "Gọi là tội nguyên tổ cũng gọi là tội tông truyền, vì mọi người đều thuộc dòng dõi của Ông Bà Nguyên Tổ." (tr119). Nhận vơ như thế là thể hiện tinh thần vong bản, xem thường tổ tiên dân tộc Việt. Không biết ông Cao Phương Kỷ là người Việt hay người Do Thái?. Ngoài ra, cái gọi là "Ông Bà Nguyên Tổ." của Lm Cao Phương Kỷ thực sự chỉ mới được biết đến khoảng 6 ngàn năm trước, thời mà cựu ước gọi là "tạo dựng". Nếu so với "nguyên tổ Java" hoặc "nguyên tổ Bắc Kinh" thì "Ông Bà Nguyên Tổ Do Thái" trẻ hơn rất nhiều, vì người cổ Bắc Kinh và người cổ Java thuộc thời đồ đá cũ đã có khoảng từ 500 ngàn năm trước. Ðó là chưa nói đến phát hiện mới nhất về người cổ Phi Châu mà số tuổi phải tính bằng "số triệu"!
Quy nạp máy móc về cái gọi là "Ngôn Sứ" và "Ðấng Cứu Ðộ duy nhất"
Vậy, cứu độ trong Kitô giáo và Phật giáo là hoàn toàn khác nhau. Do đó, khi Tông huấn đưa ra nhận xét : ". hệ thống tôn giáo ở đây như Phật giáo hay Ấn Ðộ giáo đã mang tính chất cứu độ rõ rệt." thì "rõ rệt" theo kiểu nào? Chắc chắn là theo kiểu Kitô giáo. Sở dĩ có sự khẳng định này là do hệ luận được tác giả bản tông huấn đúc kết từ tiền đề trên: "Thật vậy, quả là mầu nhiệm khi Ðấng Cứu Thế sinh ra tại Châu Á lại vẫn cứ vô danh đối với các dân tộc trên lục địa này cho tới ngày hôm nay"(S2).
Như tôi đã trình bày ở phần trên. Tông huấn đưa ra một luận cứ khẳng định rất khôn khéo nhằm đánh lừa độc giả: "Phật giáo, Ấn Ðộ giáo đã mang tính chất cứu độ rõ rệt", để độc giả lầm tưởng Tông huấn ca ngợi "tính cứu độ" của các tôn giáo ấy, kỳ thực nó ẩn chứa bên trong một nội dung xuyên tạc học thuyết các tôn giáo, nhằm hạ thấp giá trị của các thực tại văn hóa, tôn giáo Châu Á. Ðiều này thật rõ ràng qua câu: ".quả là mầu nhiệm khi đấng cứu thế sinh ra tại Châu Á lại vẫn cứ vô danh đối với các dân tộc trên lục địa này cho tới ngày hôm nay". Vì có đọc tiếp bản tông huấn ta mới thấy sự khẳng định "Ðức Giêsu là đấng cứu độ duy nhất", giáo chủ của các tôn giáo khác tại Châu Á chỉ là "Ngôn sứ" của Thiên Chúa. Ngay cả Lm. Ant. Nguyễn Ngọc Sơn, người được Ban Thường Huấn Giáo Phận phân công trình bày nội dung của văn bản "Tông Huấn giáo hội tại Châu Á" đồng thời cũng là dịch giả Tông huấn cũng phải thừa nhận: "Ðức Thánh Cha đã tổng hợp tất cả các thực tại phong phú ấy cách kỳ diệu và đầy khôn ngoan, rồi quy về Ðức Giêsu Kitô như là Ðấng Cứu Ðộ duy nhất của toàn thể loài người và vũ trụ". Thật vậy, ngay từ chương nhập đề của bản Tông huấn, người ta đã gặp ngay sự khẳng định của đương kim Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: "Ðức Kitô là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, ngài là Ðấng Cứu Chuộc duy nhất của thế giới, khác hẳn với các vị sáng lập các tôn giáo lớn khác". (S2).
Cái gọi là "tính chất cứu độ" ở đây cũng chỉ là sự lập lại của nhiều văn bản trước đó. Trong tập sách "Bước vào hy vọng", Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã từng viết: "Phật giáo là một tôn giáo cứu độ.". Các giá trị cứu độ của các tôn giáo Châu Á đã được Thiên Chúa của Kitô giáo "lập trình" sẵn để các giáo chủ các tôn giáo "sử dụng". Các tôn giáo Châu Á dù có sự dị biệt đến đâu đối với Kitô giáo cũng đều nằm trong "chiếc lưới quan phòng" của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ của Ngài. Chính vì thế mà "Ðấng Cứu Thế sinh ra tại Châu Á lại vẫn cứ vô danh đối với các dân tộc trên lục địa này." (S2) mà không cần phải "hữu danh" như các giáo chủ của các tôn giáo Châu Á khác, vì dù "hữu danh" nhưng các giáo chủ khác chỉ là "ngôn sư", nói theo ngôn ngữ thời nay là "phát ngôn viên" của Thiên Chúa Kitô giáo! Còn nếu nói theo ngôn ngữ của dân giang hồ, các tay anh chị là: "tay sai" hoặc "đàn em"!. "Quả là mầu nhiệm" ngoài sức tưởng tượng khiến những người còn chút lương tri phải thở dài ngao ngán!
Ðến đây chúng ta đã hiểu vì sao Kitô giáo đã thất bại hoàn toàn trong hai thiên niên kỷ đầu truyền giáo tại Châu Á. Nhưng sự thất bại đó lại được tác giả bản tông huấn xem như một "kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa tại Châu Á". Lương tri người Châu Á có thể tra vấn: đó là "kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa" hay "kế hoạch kỳ cục của Vatican?" Câu trả lời sẽ thuộc về vế sau. Thực vậy, cái gọi là "kế hoạch" của Vatican đã thực sự trở thành một "kế hoạch âm mưu thủ tiêu" tất cả mọi giá trị tôn giáo, văn hóa Châu Á vốn là một di sản qúy báu mà cả nhân loại đang thừa hưởng.
Người Châu Á phi Kitô giáo hiểu thế nào về cái gọi là "Ðấng cứu độ duy nhất"
Ðoạn số 10, Tông huấn viết: "Ðức Giêsu Kitô là Chúa thật và là người thật, là vị cứu tinh duy nhất của mọi dân tộc. Ðiểm khác biệt giữa giáo hội với các cộng đồng tôn giáo khác là niềm tin giáo hội đặt vào Ðức Giêsu Kitô."(S10). Ở đây có ba vấn đề cần làm rõ.
Thứ nhất: Nếu có ai đó tin rằng ông A, bà B, là "Thiên Chúa thật" thì đó là quyền của họ, không ai cấm cản họ, họ có quyền đặt niềm tin vào người mà họ cho là vị cứu tinh của chính mình. Nhưng nếu họ khẳng định ông A hoặc bà B nào đó cũng chính là vị cứu tinh của tất cả mọi người, và cố gắng thuyết phục để mọi người phải tin theo, thì dù chúng ta không phải là bác sĩ chuyên khoa phân tâm, nhưng chúng ta cũng có thể nghi ngờ người đó "đầu óc có vấn đề."
Thứ hai: Nếu người đó nói họ khác biệt với chúng ta, bởi họ tin và chúng ta thì không. Sự khác biệt này hiển nhiên không bàn cải, vì ảnh hưởng của vị cứu tinh mà họ hy vọng trông cậy, nương nhờ vào, hoàn toàn không ảnh hưởng đến người không tin, do vậy, nếu đầu óc họ bình thường, họ phải nghĩ: "Ngài chỉ là vị cứu tinh duy nhất của những ai tin Ngài thôi!" chứ không phải là vị cứu tinh của tất cả mọi người.
Thứ ba: Nếu khẳng định đó là "điểm khác biệt" giữa giáo hội và các cộng đồng tôn giáo khác, thì luận điểm "Ðức Giêsu Kitô là vị cứu tinh duy nhất của mọi dân tộc" bị phá sản. Chính "điểm khác biệt" này đã phủ định "tính phổ quát của chương trình cứu độ" dẫn đến sự phá sản của luận điểm "vị cứu tinh duy nhất".
Không phải Vatican không thấy được điều đó, ngược lại họ đã thấy và thấy rất rõ. Do đó, Tông huấn viết: "Công bố Ðức Giêsu là vị cứu tinh duy nhất có thể sẽ tạo ra những khó khăn đặc biệt cho các nền văn hóa tại đây vì nhiều tôn giáo Châu Á dạy rằng có những thần minh tự bộc lộ mình như đứng cứu độ trung gian." Những "khó khăn đặc biệt" này đã được Lm.Ant Nguyễn Ngọc Sơn, người được Ban Thường Huấn Giáo Phận phân công trình bày nội dung văn kiện Tông huấn giáo hội tại Châu Á, đồng thời cũng là người dịch văn kiện này, lưu ý nhấn mạnh về các phản ứng của cả hai phía: Kitô hữu và những người theo những tôn giáo khác. "… vì đã nghe biết được những phản ứng e ngại của nhiều tín hữu, trong đó có cả Giám mục qua hội nghị lần VII của Liên Hiệp Hội Ðồng Giám Mục Á Châu tại Thái Lan vào tháng 1-2000 vừa qua. Họ e ngại rằng, tại sao Ðức Thánh Cha lại cứ nhấn mạnh: Ðức Giêsu là đấng cứu độ duy nhất, trong khi Châu Á có nhiều tôn giáo lâu đời và các tín đồ thuộc các tôn giáo ấy không thể chấp nhận khẳng định này.".
Ðộc giả có thể đọc với một thái độ vô tư, khách quan, không thiên vị, có thể "cảm thông" và "chia sẻ" những "khó khăn đặc biệt" nêu trên. Các nền văn hóa Châu Á nói chung, cũng không hẹp hòi gì để không tiếp nhận văn hóa Kitô giáo. Trong khuynh hướng chung, hội nhập, giao lưu văn hóa mang tính toàn cầu. Các nền văn hóa tự làm giàu cho nhau, chứ không riêng gì văn hóa Kitô giáo. Trong quá trình hội nhập, bản sắc văn hóa của mỗi nền văn hóa phải tự tỏa sáng, để các nền văn hóa khác chiêm ngưỡng, tiếp thu. Ðến lượt mình, văn hóa đó lại chiêm ngưỡng, tiếp thu các nền văn hóa khác.
Kitô giáo có thể phô diễn văn hóa của mình để các nền văn hóa khác chiêm ngưỡng mà không cần phải e ngại. Tuy nhiên, nếu biến hội nhập văn hóa thành xâm lăng văn hóa, thực hiện ý đồ hạ thấp, chà đạp, đồng hóa, thậm chí thủ tiêu các nền văn hóa khác là điều không thể chấp nhận được, và chắc chắn phải nhận sự phản kháng mạnh mẽ từ các nền văn hóa khác. Vatican muốn giới thiệu một nét văn hóa mà họ cho là "nét độc đáo nhất" trong toàn bộ nền văn hóa của mình là: "Ðức Giêsu là đấng cứu độ duy nhất", chúng ta có thể tiếp nhận, tìm hiểu, nghiên cứu và chắt lọc tính tuý (nếu có) của nét văn hóa đó. Tuy nhiên người ta cũng phải đề phòng, bảo vệ văn hóa của mình nếu phát hiện được ý đồ xâm lăng văn hóa Kitô giáo do Vatican chủ trương và thực hiện. Ðiều này đã quá rõ ràng, lộ liễu đến người vô tâm nhất khi đọc Tông huấn cũng dễ dàng phát hiện. Ðoạn số 2, Tông huấn viết: "Ðức Kitô là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người Ngài là đấng cứu chuộc duy nhất của thế giới, khác hẳn với các vị sáng lập các tôn giáo lớn khác. (S2). Ðộc giả có thể hỏi: Ðức Kitô khác với các vị sáng lập các tôn giáo Châu Á ở chỗ nào?" Câu trả lời sặc mùi "đạo phiệt": ".Các giá trị tôn giáo mà các đạo ấy giảng dạy đang chờ được hoàn thành trong Ðức Giêsu Kitô" (S6). Và lối nói khoa trương: "Nơi Ngài, các giá trị chính hiệu của mọi truyền thống tôn giáo và văn hóa. được hoàn thành và đạt đến mức sung mãn" (S14). "Không cá nhân nào, không dân tộc nào, không văn hóa nào có thể dửng dưng trước tiếng gọi của Ðức Giêsu", "Khi chiêm ngắm Ðức Giêsu trong bản tính nhân loại của ngài, các dân tộc Châu Á sẽ tìm đuợc câu trả lời cho những vấn nạn sâu xa nhất của mình" (S14)
Sự "tôn trọng" đồng nghĩa với việc "lãnh nhận phép Rửa" trong hành trình văn hóa của Vatican tại Châu Á.
Có lẽ không cần thiết để định nghĩa: "tôn trọng là gì?" mà chỉ cần để ý xem Vatican đã "tôn trọng như thế nào" đối với các tôn giáo Châu Á như Phật giáo, Ấn giáo. Mặc dù giáo hội "tôn trọng" các truyền thống của họ, nhưng "tôn trọng không có nghĩa là không được phép công khai loan báo tin mừng một cách nguyên vẹn. Nhất là trong bối cảnh có quá nhiền nền văn hóa và tôn giáo tại Châu Á, cần phải nói rõ rằng: Không bao giờ vì tôn trọng và yêu qúy các tôn giáo ấy, cũng chẳng bao giờ vì tính phức tạp của các vấn đề được đặt ra mà yêu cầu giáo hội rút lui không công bố đức Giêsu kitô cho những người không phải là Kitô hữu" (S20).
Sự tôn trọng "quá quắt" của Vatican khiến nhiều người phải e dè, kinh sợ. Việc loan báo Tin Mừng là quyền của họ, họ muốn loan báo kiểu gì tuỳ thích, công chúng Châu Á ngày nay có đủ trình độ và sự khôn ngoan của mình để quyết định lựa chọn việc có nghe hay không! Khi Giáo Hoàng nói, đối với các tôn giáo Châu Á: Không bao giờ vì tôn trọng và yêu qúy các tôn giáo ấy, cũng chẳng bao giờ vì tính phức tạp của các vấn đề được đặt ra mà yêu cầu giáo hội rút lui không công bố Ðức Giêsu Kitô cho những người không phải là Kitô hữu" buộc chúng ta phải nghĩ rằng sự "tôn trọng và yêu quý" các tôn giáo Châu Á chỉ là câu nói đầu môi chót lưỡi, lừa bịp trắng trợn, vì các thực tai văn hóa, tôn giáo Á Châu dưới mắt của Vatican có giá trị gì đâu mà "tôn trọng và yêu quý"? Nếu tôn trọng và yêu quý thật sự, không bao giờ câu sau đây được viết ra: "Thật ra tín đồ trong các tôn giáo ấy vẫn có thể nhận được ơn Chúa và được Ðức Kitô cứu độ ngoài phương thế thông thường mà Ngài đã lập ra, điều ấy không loại bỏ việc họ được kêu gọi đến nhận lãnh đức tin và phép Rửa như chúa hằng muốn cho hết mọi người" (S31)
Ta hãy đọc tiếp bản tông huấn để thấy Vatican kính trọng các tôn giáo khác ở Châu Á ra sao: "Con đường giáo hội đến với các tôn giáo khác là con đường kính trọng thực sự. Một sự kính trọng mang hai mặt: một đằng tôn trọng con người trong hành trình tim kiếm những giải đáp cho các vấn nạn sâu xa nhất của cuộc sống, đằng khác tôn trọng hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi con người. Thật vậy, các nghị phụ Thượng Hội Ðồng sẵn sàng nhìn nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi các xã hội, văn hóa và tôn giáo Á Châu, qua đó Chúa Cha chuẩn bị tâm hồn của các dân tộc Châu Á đón nhận sự sống sung mãn nơi Ðức Kitô (S20).
Ðấy! Tôn trọng và yêu qúy của Vatican đối với tín đồ trong các tôn giáo Châu Á là kêu gọi họ "đến để lãnh nhận đức tin và chịu phép Rửa!". Kính trọng bằng cách cố "nhét" Chúa Thánh Thần vào đời sống văn hóa và tôn giáo của các dân tộc Châu Á một cách thô thiển, kém tế nhị.
Người Châu Á khó chấp nhận kiểu "Kính trọng" của Vatican.
Trong chương đầu tiên của Tông huấn, Giáo Hoàng nên bối cảnh đặc thù Châu Á với các thực tế tôn giáo, văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội và những vấn đề thời sự khác như: toàn cầu hóa, đô thị hóa, du lịch, bùng nổ dân số, chủ nghĩa khủng bố, dịch vu,mại dâm, truyền thông đại chúng v.v. từ đó hướng người đọc đến một vấn đề mấu chốt: Giới thiệu "Ðấng Cứu Thế là người Châu Á, là Ðấng cứu độ duy nhất cho toàn thể nhân loại." và không dấu tham vọng: "sẽ gặt được một mùa gặt lớn trên lục địa vừa bao la vừa tràn trề sức sống này".
Châu Á đúng là một châu lục rộng lớn nhất thế giới với dân số khoảng hai phần ba dân số toàn cầu . Châu Á lại là chiếc nôi của nhiều tôn giáo lớn, xứ sở của những nền văn minh rực rỡ, văn hóa phong phú. Ðúng như nhận định của Giáo hoàng "Nét đánh động nhất của lục địa này là sự đa dạng của các dân tộc, những người thừa hưởng những nền văn hóa, tôn giáo và truyền thống xa xưa. Chúng ta chẳng thể làm gì hơn, mà chỉ biết sững sờ trước con số khổng lồ của dân cư Châu Á và bức tranh ghép vô cùng phức tạp của biết bao nền văn hóa, ngôn ngữ, tín ngưỡng và truyền thống, làm nên phần cơ bản của lịch sử và di sản của gia đình nhân loại." (S6).
Ðúng vậy, không còn gì phải nghi ngờ về cái di sản đồ sộ của các dân tộc Châu Á mà nhân loại toàn thế giới đang thừa hưởng. Và cũng rất đúng với nhận định: "Người dân Châu Á rất tự hào về các giá trị tôn giáo và văn hóa của mình, quý trọng sự thinh lặng và chiêm niệm, sống giản dị, hòa hợp, từ bỏ, bất bạo động, làm việc chăm chỉ, có kỷ luật, sống thanh đạm, ham học hỏi và truy tầm triết lý. Người Châu Á rất qúy trọng các giá trị như tôn trọng sự sống, từ bi với mọi loài, gần gũi thiên nhiên, hiếu thảo với cha mẹ, người lớn và tổ tiên, ý thức rất mạnh về cộng đoàn." (S6). Trước một thực tế về các nền văn hóa đa dạng, phong phú như thế của các dân tộc Châu Á. Người đứng đầu giáo hội Công giáo ở Vatican cũng đành phải ".chẳng thể làm gì hơn, mà chỉ biết sững sờ trước con số khổng lồ của dân cư Châu Á và bức tranh ghép vô cùng phức tạp của biết bao nền văn hóa, ngôn ngữ, tín ngưỡng và truyền thống, làm nên phần cơ bản của lịch sử và di sản của gia đình nhân loại." (S6).
Thế nhưng, đối với Vatican, dù "chẳng thể làm gì hơn!", nhưng quyết không bó tay. Âu đó cũng là bản chất cố hữu mà lịch sử đã phải chứng kiến trong suốt hai thiên niên kỷ tồn tại và phát triển của Vatican. Có đọc tiếp bản tông huấn, chúng ta mới thấy được sự quyết tâm không bó tay của Vatican: "Á Châu cũng là chiếc nôi của các tôn giáo lớn trên thế giới, như Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, đó là nơi khai sinh của nhiều truyền thống tâm linh khác như Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo, Bái Hỏa giáo (Zoroastrianism), đạo Giaina (Jainism), đạo Sikh và Thần đạo (Shintoism). Chưa kể hàng triệu người theo các tôn giáo truyền thống hay bộ tộc, có nghi thức quy củ và giáo lý chính thức ở những mức độ khác nhau. Giáo hội hết sức kính trọng các truyền thống này và luôn tìm cách đối thoại chân thành với các tín đồ ấy. Các giá trị tôn giáo mà các đạo ấy giảng dạy đang chờ được hoàn thành trong đức Giêsu Kitô" (S6)
Có thực sự là "Giáo hội hết sức kính trọng các truyền thống này và luôn tìm cách đối thoại chân thành với các tín đồ ấy" không? Câu trả lời là "không". Vì nếu thực sự có kính trọng và muốn đối thoại chân thành, không bao giờ lại đưa ra một xác quyết hàm hồ, chủ quan, cố tình hạ thấp giá trị của các tôn giáo khác để đề cao Kitô giáo bằng câu: "Các giá trị tôn giáo mà các đạo ấy giảng dạy đang chờ được hoàn thành trong đức Giêsu Kitô".
Từ thực tế trên, người Châu Á có quyền nghi ngờ về những lời tâng bốc dối trá đại loại như: "các tôn giáo Châu Á đã chứng tỏ mình có nhiều sinh lực, khả năng canh tân." (S6). "Người Châu Á có một cảm thức bẩm sinh về tâm linh, có một nền minh triết luân lý"(S6) và càng nghi ngờ hơn về "thiện chí" muốn "Xây dựng một ý thức ngày càng đậm đà bản sắc Châu Á. khám phá và khẳng định bản sắc Châu Á không phải bằng cách đối chất và đối chọi nhau."(S6). Sự nghi ngờ trên là hoàn toàn có cơ sở và dần bộc lộ rõ trong suốt bản tông huấn.
Tóm lại: Phương pháp luận của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là nêu lên các thực tại văn hóa, tôn giáo của các dân tộc Châu Á một cách chung chung mà không giải thích, rồi đặt các phạm trù nêu trên vào một giả định "quan phòng của Chúa Thánh Thần", từ đó thực hiện quy nạp vào "Ðức Giêsu, Ðấng Cứu Ðộ duy nhất" cho toàn thể nhân loại. Với phương pháp luận như vậy, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cố tình hạ thấp, chà đạp giá trị của các nền văn hóa, các tôn giáo lớn Châu Á, đồng thời đề cao học thuyết Kitô giáo, khôn khéo ngụy biện, đánh lừa để độc giả lầm tưởng Giáo Hoàng tôn trọng, ca ngợi các sắc thái văn hóa Châu Á như: "Thượng Hội Ðồng cũng là một dịp cho người ta nhận ra các truyền thống văn minh xa xưa, các triết lý và sự minh triết đã uốn đúc Á Châu nên như ngày hôm nay."(S4) "Người Châu Á có một cảm thức bẩm sinh về tâm linh và có một nền minh triết về luân lý." (S6) v.v.
Trở về trang chính - http://ntrlich.blogspot.com